WILFRED BRANDON

Kỳ này chúng ta sẽ đọc những sách của một tác giả rất đặc biệt là Wilfred Brandon do Edith Ellis ghi lại nhưng trước đó cần vài lời giới thiệu.

 Tác giả Cyril Scot có lần đề cập tới một việc là trong thế kỷ 20, do có hai thế chiến làm hằng triệu binh lính qua đời khiến nhiều người sống đau khổ, một nỗ lực được thực hiện để làm một công  hai chuyện là vừa trình bầy đời sống sau khi chết để con người biết rằng sự sống vẫn tiếp diễn sau khi chết, vừa nhờ đó làm an lòng phần nào thân nhân đang ở cõi trần. Kết quả là sau thế chiến thứ nhất và thứ hai, một loạt sách tâm linh về sự tử đã xuất hiện, một trong những cuốn này là quyển Hành Trình một Linh Hồn của tác giả Peter Richelieu đã đăng trên PST và trên trang web PST. Nay do một tình cờ lạ lùng, PST khám phá bộ sách bốn quyển khác nên có hân hạnh được giới thiệu cùng quý độc giả những tác phẩm với cùng mục đích trên của Wilfred Brandon, được cho ra giữa hai thế chiến. Thứ tự xuất hiện của sách là như sau:
- Open the Door, 1935
- Incarnation, 1936
- We Knew These Men, 1942
- Love in the After Life, 1956
Bộ sách ra đời là chuyện lạ lùng vì chúng không do chính tác giả ghi lại mà qua một trung gian biên chép là Edith Ellis, và khi biết về tác giả thì ta lại càng ngạc nhiên thú vị, vì Wilfred Brandon đã qua đời trước đó rất lâu năm 1781, vào lúc có cuộc cách mạng Hoa Kỳ 1776 và đất nước mới mẻ này bắt đầu lập quốc.  Khi cần cho sách xuất hiện, ông lựa chọn bà Edith Ellis do khả năng thông nhĩ (clair-audience) của bà và sách được soạn bằng cách ông đọc cho bà Ellis ghi. Nói rõ ra thì đây là những sách do tác giả ở thế giới bên kia, cõi vô hình, truyền đạt tới người thụ cảm ở cõi trần để xuất bản. Đây là chuyện thật hãn hữu và có rất ít cảnh như vậy trên thế giới, ta có trường hợp nhân vật hiện đang sống trong thể xác ở cõi trần mà viết sách theo cách trên tức đọc cho người trung gian ở cách xa vạn dặm, là chân sư D.K. và bộ sách do bà Alice A.Bailey viết, hay bà Blavasky trước đó, nhưng sách do người đã qua đời nay sống ở cõi trung giới soạn ra thì là chuyện có một không hai.
Nói về người biên chép là Edith Ellis thì bà là kịch sĩ có tiếng, sinh sống bằng kịch nghệ hoặc như là diễn viên sân khấu hoặc đạo diễn, và khi khác là người viết kịch bản cho kỹ nghệ phim ảnh tại Hollywood, Hoa Kỳ. Cuộc sống của bà vì vậy hết sức bận rộn ở cõi trần, mà bà cũng không có khuynh hướng tâm linh dù rằng có thông nhĩ. Edith Ellis không phải là một người đồng như ta hiểu, là mất tri giác khi có người nhập vào mược xác, hay thụ động ghi chép những gì bà nghe bằng thông nhĩ. Chuyện khác hẳn với lời bà mô tả sự việc, khởi đầu với quyển Open The Door !, bà viết:
'Năm 1930 tôi đi làm việc ở Hollywood. Ở đó tôi 'nghe' thường hơn và rõ hơn từ trước tới nay. Tôi được yêu cầu tập viết tự động ký trở lại. Một nhóm ba 'Huấn sư ' liên lạc với tôi trong đó có ông nội tôi qua đời lúc tôi 12 tuổi. Ba người đề nghị tôi trợ lực trong việc đưa hiểu biết cho thế giới để giúp việc mang lại hòa bình và tái tạo tâm linh cho dân Mỹ. Tôi không thể bỏ qua lời kêu gọi cho việc làm như thế, nhưng tôi yêu cầu và nhận được bằng cớ về danh tính và sự thành thực của họ trước khi nhận lời. Ba người cũng thử thiện chí của tôi.'
'...Tôi được hỏi là có bằng lòng viết tự động ký - còn gọi là automatic writing- cho Wilfred Brandon?  Nó có vẻ như là cơ hội nguy hiểm nếu tôi chấp thuận. Tình hình kinh tế đang hóa tồi tệ dần - đây là lúc có kinh tế khủng hoảng tại Hoa Kỳ vào đầu thập niên 1930 -, ngành kịch nghệ đang thu nhỏ lại. Làm sao tôi kiếm đủ tài chánh để trang trải ? Tôi phải suy nghĩ rất lâu, cặn kẽ, tranh đấu với chính mình, nhưng có điều gì đó trong lòng không cho tôi từ chối công việc này. Cuối cùng tôi ưng thuận nhưng đòi hỏi có cam kết là tôi không bao giờ mất quyền kiểm soát trí não mình, hay bị làm cho mê thiếp. Điều này được hứa chắc và đã được giữ y bao năm qua. Từ đó tới nay, tôi tự do xét đoán, quyết định và làm chủ hành động của mình. Về phần Brandon thì ông rất tỉ mỉ và đòi hỏi kỹ càng về tác phẩm của ông. ... Đôi khi tiềm thức tôi tìm cách thêm vào một câu ông đã đọc cho tôi viết. Khi có chuyện như vậy xẩy ra, tới lúc ngừng ngay sau đó cây viết chì sẽ nhấc lên và Brandon sẽ gạch bỏ những chữ nào không phải là của ông và viết 'Đừng thêm vào'.
... Tôi không phải là người viết tự động ký theo đúng nghĩa, mà là người Brandon gọi là viết tường thuật. Tôi thấy và biết những chữ khi chúng được viết ra, nhưng nghĩa của chúng đến rồi đi trong óc tôi chỉ trong tích tắc và tôi quên ngay. Khi đọc lại trọn trang thì nó hoàn toàn mới mẻ đối với tôi. Tôi không biết tại sao như vậy.' (We Knew These Men ).
Nay giới thiệu về tác giả thì trong bốn kiếp chót hết của ông Wilfred Brandon đều là quân nhân tử trận, nên ông hiểu rất rõ chiến tranh, đời lính và cảnh ngộ họ trải qua khi thiệt mạng. Cũng vì lý do này mà ông đặc biệt quan tâm đến óc hiếu chiến trên thế giới, sự ngỡ ngàng, khó khăn trong đời sống mới khi người lính chết trên chiến trường và bước sang thế giới bên kia mà không được trang bị kiến thức về cuộc sống bất tử. Wilfred Brandon ghi rằng trong nhiều kiếp liên tiếp ông đều là người Anh, ông tử trận năm 1132 tại Pháp, kiếp sau cũng tử trận năm 1373 tại Anh, và rồi bị hạ thủ bằng kiếm năm 1647. Năm 1762 ông chọn tái sinh vào Hoa Kỳ do có óc mạo hiểm muốn thử sống trong chế độ dân chủ, làm con một nông gia tỉnh nhỏ ở tiểu bang Massachusetts, bị quân Anh bắn chết năm 1781.
Từ kiếp chết năm 1132, hơn sáu trăm năm ông không hề dùng tim hay óc để học hỏi trong cuộc sống dưới trần. Khi qua đời ở kiếp chót hết lúc chỉ mới là thiếu niên đầy sức sống, và giống như các thiếu niên cùng lứa Wilfred Brandon nóng nẩy muốn tái sinh ngay. Ông sẵn sàng và hăm hở nhập thế thì được gặp một người bạn của cha mình đã qua đời mấy năm trước. Người này do cư ngụ lâu ngày ở cõi trung giới nên có nhiều kinh nghiệm hơn, ông chỉ dẫn Brandon những điều mình đã biết và kết quả là Brandon quyết định chờ đợi, dành thì giờ học hỏi cho tới khi có khả năng đảm đương trách nhiệm lớn hơn trong kiếp tới, và cố gắng có tiến bộ hơn trong cuộc tiến hóa của ông
Trong sách của ông, Brandon dùng chữ đôi khi gây hiểu lầm nên xin có chút giải thích.
- Ông gọi nhóm người thiện nguyện bên cõi trung giới làm việc hướng dẫn ai mới qua đời là Nhóm Huynh Đệ Chính Đạo (The White Brotherhood). Chữ này trong nhiều sách vở Thông Thiên Học và báo PSTheosophia được dùng để nói về nhóm khác hẳn là Thiên Đoàn (The Hierachy), gồm những đấng cao cả hoạt động ở những cõi cao mà không phải là người trong nhóm ở cõi trung giới, do đó khi đọc sách của Brandon ta cần phân biệt để tránh nhầm lẫn.
- Ông cũng dùng chữ 'Huấn sư ' (Master) theo nghĩa là nhân vật có nhiều hiểu biết và kinh nghiệm, giảng dạy ở cõi trung giới. Trong khi đó sách TTHọc và PSTheosophia dùng chữ 'Chân sư ' (Master) theo nghĩa khác hẳn, nó chỉ những đấng cao cả làm việc từ cõi trí trở lên mà thôi. Vì vậy muốn hiểu Brandon nói gì ta phải nhớ sự khác biệt giữa hai cách dùng chữ 'Master '.
- Brandon dùng chữ 'Etheric world' để nói về cõi trung giới, và chữ 'Etheric body' để nói về thể vía, thể tình cảm, còn tài liệu TTH dùng chữ 'Astral plane' (cõi trung giới) và 'Astral body' (thể vía, thể tình cảm) theo nghĩa như Brandon, và chữ 'Etheric body' (thể sinh lực, thể phách), 'Etheric plane' (cõi ether) với nghĩa khác hẳn.
Ta sẽ điểm chung bốn tác phẩm nói trên; tuy chúng đều nhắm tới chỉ một đích là làm tăng hiểu biết về đời sống ở cõi trung giới, nơi ai cũng đi qua và ngụ một thời gian sau khi chết, nhưng mỗi quyển chú trọng về một mặt riêng. Brandon dùng thời gian ở đây để học hỏi và ông muốn người khác cũng ý thức việc ấy, tận dụng ngày giờ nơi đây để phát triển mình thay vì thờ ơ bỏ mặc ngày tháng trôi đi uổng phí. Trong quyển Open The Door !, Brandon mô tả kỹ cảnh sống bên kia, đặc điểm cách viết của ông là ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề khiến người đọc bắt được ý của ông dễ dàng không nhầm lẫn. Ông cũng dùng chữ giản dị, dễ hiểu, kết quả là ta vẽ ra tư tưởng hay hình ảnh rõ rệt. Phối kiểm thì chi tiết đưa ra trong sách của ông phù hợp với tài liệu đáng tin khác viết về cùng đề tài, thí dụ ta hãy so sánh chương Linh Mục Wilton ghi lời giảng của vị chân sư  trong chuyện Vị Chân Sư (PST số 31) với sự mô tả trong sách của Brandon:
- Tư tưởng chúng ta (nơi cõi trung giới) tạo nên hào quang của chúng tôi y như tư tưởng của bạn (nơi cõi trần) tạo nên hào quang của bạn. Hào quang của chúng tôi thấy rõ nơi đây và mỗi người được biết bằng hào quang của mình, hào quang một ai cho biết họ là người ra sao, không sự che phủ nào hay trang sức tô điểm có thể khuất dấu được tâm tính thực của người.
Brandon trình bầy sự việc như nó là mà không tìm cách làm giảm hay làm tăng ý nghĩa của việc:
- Chuyện không chấm dứt khi người ta gắn cây thánh giá làm dấu nấm mồ của anh lính trẻ tuổi, linh hồn anh bị đẩy ra khỏi thân xác trong trạng thái làm đời sống của anh thành địa ngục trong nhiều năm ở cõi trung giới. Nếu chỉ riêng sự kiện này được hiểu sâu rộng thì chiến tranh không sao có thể xẩy ra. Không cha mẹ nào muốn con mình có số phần như thế. Nỗi đau đớn, khổ não, sự dơ bẩn của đời lính trong chiến tranh so ra không thấm thía gì với chuyện xẩy ra sau khi chết. Phải chi cái chết chấm dứt nỗi đau khổ. Cái thảm kịch là sự chết chỉ mới là khởi đầu của nỗi đau khổ, vì trí não mang qua cuộc sống bên kia những ấn tượng mạnh nhất của nó. Lòng thù ghét, kinh sợ, hình ảnh chết chóc và âm thanh, nỗi tuyệt vọng cùng cực và cảm nhận sâu đậm về tính tàn ác của người là những ý tưởng người lính mang theo với họ, và đó là vật liệu tạo thành đời sống của họ ở cõi trung giới, vì nơi đây tư tưởng làm nên cuộc sống. Năng lực của trí não gây ấn tượng lên chất ether và tạo nên dáng vẻ, dáng vẻ này trông thật như cảnh ở cõi trần nên ta có thể tưởng tượng nỗi kinh hoàng, thê thảm của người lính tử trận là ra sao.
'... Những sự kiện ghi trong sách này mong sao có thể được dùng để tránh cho nhân loại số phận của hàng triệu linh hồn nay đang được chỉ dẫn chậm chạp nơi đây cách để quên. Cảnh giới của chúng tôi bị náo động khi có bao nhiêu người tuôn về, vì công việc của chúng tôi là chỉ dẫn linh hồn mới qua đời cách dùng khả năng của họ. Tính ra, khi chết một cách bình thường thì công việc này không quá khó,  nhưng binh lính tử trận trong thế chiến I làm cho cõi trung giới thực sự trở thành bệnh viện cho ai hóa điên loạn và bị mất một phần thân thể.'
Sách không trách móc mà cũng không chê bai làm thối chí người đọc. Theo cách đó ta lượng được đúng tầm mức của tình trạng, thấy rõ thiếu sót cùng chuyện phải làm để tự động sửa chữa mà không mang cảm nghĩ nản lòng vì cho rằng mình có lỗi. Ta trích đoạn sau trong quyển Incarnation tiêu biểu cho nhận xét này:
- Khi chúng tôi nói chuyện với ai mới qua cảnh này về việc học hỏi, làm lụng chuyên cần khó nhọc bằng trí não, họ tỏ ra giận dữ và thường đáp lại:
"Sao ! Ông muốn nói là tôi phải làm ở đây cùng những chuyện mà tôi đã làm cả đời rồi à ?
'Chúng tôi giải thích rằng có sự khác biệt lớn lao giữa việc làm này và lao động tay chân. Họ rất là bực bội khi nghe vậy, và tuyên bố rằng cả đời họ đã phải dành làm việc rất chán để kiếm tiền mưu sinh, nay họ hy vọng được thảnh thơi nhàn rỗi. Chúng tôi hỏi thế họ dự tính dùng thời giờ ra sao. Trăm người như một ai cũng đáp y nhau: "Làm chuyện hào hứng, vui chơi". Thấy rằng theo đuổi vấn đề sẽ không đi tới đâu nên chúng tôi để họ tìm hiểu với bạn bè điều kiện sống nơi đây.
'Người mới chết và qua cõi trung giới xử sự giống như trẻ con. Họ chỉ muốn rong chơi những nơi chốn quen thuộc lúc sống, và xem việc họ qua đời có nghĩa gì với thân hữu, gia đình còn ở cõi trần, không mấy ai tìm cách vượt lên trên làn rung động nơi cõi thế. Việc này chỉ làm họ giải trí được một lúc ngắn, vì người sống rồi sẽ quên và người chết chỉ còn là ký ức. Khi linh hồn nhận ra là đã bị quên lãng thì họ muốn tìm mối tiếp xúc khác cho họ sự lý thú mới trong đời. Thế thì họ đi tìm những ai đã chào đón họ lúc qua đời, thường thường đó là cha mẹ họ, và bắt buộc phải chung sống với ông bà. Do tình thương con, cha mẹ chia sẻ tất cả những gì họ có với con mình.
'Người như vậy có thể rong chơi trên mặt đất bao lâu mà họ có thể nghĩ ra được nơi họ muốn tới, đó thường là chỗ mà họ đã ngụ hay đã biết trước kia. Thông thường đó là người chưa hề ra khỏi tỉnh hay quê nhà của mình. Ở cõi trung giới họ không thể rời khỏi chỗ đó trừ phi có bạn ở cảnh khác trong cõi trung giới đến và rước họ đi. Những người này tập trung tư tưởng vào chỗ mà muốn mang bạn tới, và nếu người bạn giữ cho tư tưởng trầm xuống, không kình chống lại ý muốn này thì năng lực tư tưởng của thân hữu sẽ đủ mạnh, mang được họ tới chỗ.
'Như vậy bạn thấy chuyện trở thành bất công ra sao khi ai nhờ cậy hoài vào người khác mà không chịu cố công học cách tự  mình làm.'
Brandon đưa ra nhiều thí dụ làm ta phải suy nghĩ về cách sống của mình ở cõi trần, giá trị và ý nghĩa mà ta gán cho sự vật, mức độ ưu tiên và tầm quan trọng của chúng có thể thay đổi khi con người có tầm nhìn rộng lớn hơn. Lấy thí dụ trong quyển Hành Trình ta được biết là tiền của, thế lực ở cõi trần trở thành vô nghĩa khi sang cõi trung giới, nay Brandon giải thích thêm trong quyển Love In the Afterlife:
'Thương gia là những người tài giỏi trong ngành của họ mà chỉ có thể đóng góp rất ít ở đây. Đôi khi họ lớn tiếng than vãn là cảnh giới này nghèo nàn và tài năng của họ uổng phí nơi đây. Không có bán buôn. Không có lợi nhuận. Không có ai để cạnh tranh và không có nhân viên để họ dọa nạt. Đời sống quả thật đáng chán và cảnh hay thấy là người như vậy tụ lại với nhau, thuật lại những thành công của họ dưới trần.
'Khi ai đó làm tôi mọi cho tiền bạc, dành cả đời để tạo của cải và tìm cách để có cạnh tranh thắng lợi, họ có thể dùng trí tuệ hoàn toàn chuyên về việc ấy tới mức khi qua đời, người ta rất khó mà chỉ dạy họ hướng tư tưởng đến nhiều điều khác ở cõi tình cảm. Thường thường đó là kẻ ưa đôi co biện bác, luôn quan tâm đến việc trả giá, cò kè hơn thua, tìm cách chơi trội hoặc đè bẹp đối thủ dù rằng đã qua đời. Họ không thể bỏ được ý nghĩ rằng mình thượng hạng hơn người, cho dù đó là người đã sống lâu ở cõi trung giới và giầu kinh nghiệm hơn họ. Những con buôn trục lợi này rất hớn hở vui mừng khi ai đó làm ăn thất bại nay cũng qua đời và sang gặp họ nơi đây. Bản tính tàn nhẫn của con buôn vẫn còn sau khi chết, tuy giờ nó mất khả năng tàn phá đời kẻ khác.'
Tuy nhiên khi họ thức tỉnh và chịu chấp nhận những điều kiện nơi đây, sẵn lòng học hỏi thì kết quả rất khích lệ như trường hợp sau:
'Một người rất giầu sang và có trí tuệ tuyệt vời qua đời và sang cõi trung giới. Ông kiêu kỳ và độc đoán tới mức không chịu nhận cho ai giầu kinh nghiệm nơi đây chỉ dạy mình. Ông hết sức kinh ngạc khi thấy  tài sản của mình không còn chút quan trọng gì sau khi chết. Ông chê bai và phí thì giờ vào chuyện nuối tiếc kiếp vừa qua trong đời. Cuối cùng khi thuận ngồi vào lớp học thì ông tiến bộ đến mức làm kinh ngạc tất cả những ai chỉ dẫn và mãn khóa ông đứng đầu lớp. Nay ông thành giảng sư và là một trong những thầy dạy giỏi dang nhất của cõi trung giới. Được vậy cũng là nhờ ông có trí não sáng láng và quen dùng nó luôn trong lúc sống ở cõi trần. Một khi ông quyết định chịu học những nguyên tắc về cuộc sống nơi đây và cách dùng chúng, ông trở thành tác nhân mạnh mẽ ở cõi trung giới y như khi ông ở dưới thế.'
Thắc mắc hay nêu ra là ở cõi trần ta phải đi làm để mưu sinh, nay qua cõi trung giới không còn xác thân và nhu cầu sinh sống phải thỏa mãn thì người ta làm gì nơi đó ? Quyển sách đưa ra câu trả lời:
' Bạn cũng phải làm việc ở đây nếu muốn thành đạt bất cứ chuyện gì, cho mình hay là cho người. Công việc của chúng tôi là tập trung tư tưởng, dùng sức mạnh của tư  tưởng, đó là căn bản của mọi chuyện. Đời sống ở cõi trung giới tùy thuộc vào đời sống nơi cõi trần của bạn, nếu không có trí tuệ mạnh mẽ và trừ phi trí tuệ ấy được tình thương thúc đẩy, bạn chẳng đáng giá mấy nơi đây và trở thành gánh nặng cho ai làm việc nơi đây, làm trì trệ sự tiến bộ.'
Từ đây, Brandon nêu lên một điểm rất đáng chú ý và quan trọng tới mức ông dùng làm đề mục cho hẳn một quyển sách, đó là tình thương phải là động cơ cho hoạt động trong đời, dưới trần cũng như sau khi chết, nếu ta muốn tiến bộ và thành đạt. Trong quyển Love In The Afterlife, ông giảng rõ:
'Không một khối lượng tiền của, danh tiếng, hay thành công nào có thể bù đắp cho lòng cảm thông hoàn toàn, thiện cảm, ân cần hay nói khác đi là tình thương. Có lẽ tình thương của con người đối với nhau là điều quí giá nhất trên đời, vì nó là luật căn bản của vũ trụ. Người ta không thể trở thành toàn hảo nếu không đặt tình thương làm nguyên tắc nền tảng cho mình. Yêu mến đất nước, yêu thích việc làm, thương bạn bè, cha mẹ, con cái, thú vật, ưa thích sự hiểu biết, nghệ thuật, yêu quí thiên nhiên, cảnh sắc bốn mùa. Ai có tình thương  luôn luôn là người được quí chuộng và nổi bật nơi đây, họ có phong thái đẹp đẽ, dáng điệu ôn hòa và là giới thượng lưu về mặt tinh thần. Khó tìm thấy một ai cao cả nổi bật ở cõi trung giới mà không có đặc điểm chính là đầy tình thương.'
Đặc điểm của quyển 'We Knew These Men' là sách đi vào chi tiết nhiều điều thú vị chỉ nói phớt qua trong quyển Hành Trình Một Linh Hồn, nói khác đi hai quyển sách bổ túc tuyệt hảo cho nhau. Thí dụ trong quyển Hành Trình vị thầy Ấn Độ dạy rằng người ở cõi trung giới tự vẽ kiểu, xây nhà cho mình và ông không đi sâu. Nay Wilfred Brandon cho ra chi tiết tỉ mỉ làm ta hiểu thêm đời sống bên kia. Ông nói rằng khi mới qua cõi trung giới, ông không có nhà cửa chi hết nên ở chung với một người khác đã sống lâu năm nơi đây, mấy năm sau khi vợ người này qua đời và đến ở với chồng mình, Brandon thấy cảnh sống chung không tiện nữa nên ra đi và tới ở ... chung cư ! Đây là tiết lộ ngộ nghĩnh, việc cõi trung giới có chung cư hẳn làm nhiều người thấy quen thuộc, bớt xa lạ với nơi đây. Brandon ghi thêm là bởi con người dưới trần càng ngày càng ở chung cư nhiều hơn, nơi cõi trung giới có dự tính xây thêm chung cư để có chỗ cho người mới tới.
Và xây nhà nơi cõi trung giới là sao ? Vị thầy Ấn Độ cho hay mọi việc nơi đó đều do tư tưởng mà ra, Brandon khai triển ý này trong sách của ông, giải thích cặn kẽ cách xây nhà rất là thú vị, lấy thí dụ ông xây lâu đài cho mình theo kiểu đã sống trong một kiếp trước như thế nào. Sau chót xin nêu thêm một điểm đã ghi trong quyển Hành Trình là nơi cõi trung giới, người ta đi tới nơi mình muốn bằng cách chú mục trong đầu hình ảnh của nơi đó, thí dụ như Henry muốn tới Học Viện thì vẽ ra trong trí hình ảnh của tòa nhà này. Diễn dịch ra thì trong thế chiến thứ hai, khi nhóm cứu trợ vô hình người Mỹ gồm người đã khuất muốn sang Pháp để trợ giúp quân Mỹ đang đánh trận tại Pháp, mà chưa ai trong nhóm đã tới nước này hoặc có hình ảnh nào về nơi đây, họ không đi tự mình đi được vì không tạo ra được hình ảnh chốn đó trong đầu. Không thể xẹt một cái là tới, đi chỉ trong tích tắc, vậy thì họ đi bằng cách khác chậm hơn, là theo tầu chở binh lính sang Pháp. Wilfred Brandon ghi rằng trên mỗi tầu như vậy có khoảng hai mươi người cứu trợ vô hình đi theo, qua lại giữa đám đông binh sĩ trên tầu suốt cuộc băng biển Đại Tây Dương.
Câu chuyện nhóm cứu trợ vô hình này làm cho chuyện Hành Trình thêm phần xác thực. Trong quyển sau vị thầy Ấn Độ giảng rằng vì số binh lính hai phe tử trận quá đông, một số lớn người bị đột nhiên đẩy lìa khỏi xác, bước sang cõi trung giới không được chuẩn bị. Nhu cầu tiếp dẫn, giải thích, hướng đạo quá cao mà số người cứu trợ quá ít, do đó hàng ngũ thiên thần được trưng dụng để tiếp tay với loài người trong thảm họa này. Qua sách của ông Wilfred Brandon giải thích thêm công việc tiến hành ra sao, và người lính tử trận nào cũng có thể học hỏi để thích ứng với khung cảnh mới, nếu muốn.
Tất cả những sách trên đều đã tuyệt bản, nhưng ta có thể mua sách second hand trên internet qua eBay hay biblio.com hoặc những nơi chuyên về sách tâm linh. Trong bốn quyển thì có lẽ quyển We Knew These Men có nhiều điểm lý thú và hiểu biết thực tiễn hơn hết nên xin đề nghị bạn tìm đọc sách này trước tiên, kế tiếp là quyển Open The Door, sau đó là hai quyển chót. Bởi quyển We Knew These Men có giá trị cao, PST sẽ dịch và cho đăng trên báo cũng như trên trang web sau khi chuyện Hành Trình chấm dứt, kính mời quí độc giả đón xem. Lần lượt những quyển còn lại cũng sẽ được dịch khi hoàn cảnh cho phép.
Sau đây là một đoạn trích trong quyển We Know These Men.
"Khi Brainard ngã xuống người trúng đầy đạn súng máy của Đức, anh không cảm thấy đạn có tác động gì. Anh bất tỉnh một lúc ngắn và khi tỉnh lại nhìn xung quanh, anh thấy mình đứng cạnh thân xác nằm dưới chân, và có Cummings với anh. Cả hai không biết là một quả đạn pháo đã bắn tung cơ thể Cummings thành ngàn mảnh vụn.
Họ nhìn nhau lạ lùng. Họ đang ở đâu đây ?
Hai người nhìn xung quanh thấy mình ở ngay chỗ khi trước, lúc Brainard té xuống và Cummmings ráng tiến đến anh. Súng vẫn nổ và đạn phe Hoa Kỳ kêu rít lên ghim vào đất; ngay lúc đó một quả nổ sát trước mặt họ. Người này nghĩ là thấy mảnh đạn vụt xuyên qua người kia, làm như họ nằm mơ vì cả hai sững sờ nhìn nhau không thốt ra lời.
Trận chiến ngưng lại trong chốc lát và lính Đức chui ra khỏi giao thông hào. Hai người không có vũ khí thì làm sao chống cự ? Có vẻ như Brainard choáng váng quá không nghĩ ra điều này, nhưng Cummings ngó quanh tìm súng của anh, nó đã biến đâu mất. Súng Brainard nằm cách anh chừng nửa thước, anh cúi xuống để nhặt lên nhưng không biết vì sao anh không thể nào nắm được khẩu súng. Bàn tay anh hoàn toàn không có cảm giác đụng chạm, Brainard nghĩ chắc tay phải mình bị thương, anh mới dùng tay trái lượm cây súng nhưng cũng không sao nắm được.
Brainard không lo tới lính Đức mà chỉ nghĩ tới hình hài trông giống anh đang nằm dưới chân. Hai người lính lại nhìn nhau kinh hãi lạ lùng. Họ vẫn chưa nói với nhau lời nào thì bốn lính Đức chạy tới chỗ, hai người ngạc nhiên thấy kẻ địch không màng tới họ chút chi, và Cummings thấy một kẻ làm như chạy xuyên thẳng qua thân hình Brainard. Anh la lớn:
- Coi chừng !
Bốn lính Đức chạy băng qua không chú ý gì tới họ, Brainard đứng y chỗ, mắt mở to hoảng hốt. Sao lính Đức không hạ sát hai người ? Có chuyện gì vậy ? Cuối cùng Brainard thận trọng cúi xuống, nhìn vào gương mặt có vẻ như là của chính anh; nó trắng bệch, mặt đất thì ẩm ướt vì máu chẩy ra từ hơn nửa tá vết thương. Anh bật khóc.
Cummings tiến lại gần và đứng cạnh bạn, anh cũng bị xúc động mạnh mẽ.
- Brainard !
Brainard ngước lên, ngạc nhiên và trong một chốc quên đi nỗi đau khổ vì anh không chắc đây là Cummings thật hay chỉ là hoang tưởng.
- Chuyện gì xẩy ra cho chúng ta vậy, Brainard ?
- Tôi không biết. Tôi nghĩ là mình điên rồi. Cummings, phải đây là thân xác tôi không ?
- Phải, ông già. Tôi thấy anh té xuống.
Hai người yên lặng một lát.
- Đây là cái chết ư, Brainard ?
- Không, tôi thấy sống động hơn bao giờ hết.
- Coi, Hanson kìa !
Cumming chỉ tay về chỗ bóng dáng Hanson đang lộ ra cách họ chừng 20 thước. Hắn không có súng và đang nhìn quanh quất, như thể không biết mình đang ở đâu. Khi thấy hai người, Hanson bắt đầu tiến lại. Hắn chạy tới:
-Này, chuyện gì vậy ? Hết bắn nhau rồi sao ? Lính Đức làm như tưởng tụi mình vô hại.
Nói tới đó mắt Hanson bắt gặp thân xác Brainard.
- Trời đất ôi ! Cái gì vậy ?
- Chính tôi cũng không biết. Và Brainard tự hỏi Hanson có hai thể giống như anh không.
- Rosenberg đâu ? Cummings hỏi.
- Hắn ở đằng kia. Hắn té rồi tôi kéo hắn xuống hố. Tôi không biết, tôi chắc hắn tiêu rồi.
Nay cả ba đi về cái hố mà Hanson đã kéo Rosenberg xuống. Tới nơi họ nhìn xuống thấy thân xác to lớn của Hanson nằm ngửa, áo bật khuy, đôi bốt không còn. Hanson nhìn sững vào hố.
- Cái gì vầy nè ? Tôi nằm dưới đó hay tôi đứng trên đây ?
- Hanson, chúng ta chết rồi. Cummings nói.
- Chết mốc xì, tôi tỉnh như sáo. Hanson quay sang nói nhỏ với Brainard 'Thằng cha điên rồi.'
- Thiệt sao, Cummings ? Brainard kinh ngạc hỏi.
- Làm sao có chuyện khác được ?
Hanson nhìn chăm chú xuống hố.
- Coi kìa ! Rosenberg nằm bên dưới tôi.
Quả đúng vậy, Rosenberg đang xoay trở tới lui, ráng trườn thoát ra khỏi cái xác bên trên.
- Này, chú em, thằng nhóc Do Thái ! Ra đây với tụi này coi nào. Hanson la lớn.
- Không chừng hắn bị trúng đạn, Cummings nói. Anh có bị thương không, Rosenberg ?
Không có tiếng trả lời. Rõ ràng là Rosenberg không nghe tiếng bọn họ.
Ba người lập lại câu hỏi. Họ la lớn cho hắn nghe, nhưng làm như hắn không biết có họ ở đó mà tiếp tục cựa quậy bên dưới sức nặng của thân xác Hanson. Họ khòm người xuống đưa tay ra giúp hắn, tuy nhiên có vẻ như Rosenberg không thấy họ. Anh chàng nhỏ con này len lén thò lên khỏi miệng hố nhìn về hầm chiến đấu của lính Đức, anh quay đầu dần cho tới khi tầm mắt hướng thẳng vào ba người, thế mà anh không lộ ra vẻ gì là biết có họ đứng đó. Anh nhìn xuyên qua họ và thấy lính Đức tiến về phía mình.
Rosenberg thụp xuống nữa, và khi nhìn vào xác Hanson nằm trong hố đạn, anh lặng thinh một chốc rồi dang tay ôm chầm xác và bật khóc nức nở.
Cummings và Brainard ngoảnh mặt đi. Họ nghe Hanson nói nhỏ.
- Thánh thần ơi, tôi chết thiệt rồi.